Khi nền kinh tế rơi vào giai đoạn khó khăn như hiện nay, các công ty cắt giảm nhân sự “như cơm bữa”. Nếu bạn vừa không may mất việc, thì dưới đây là một kế hoạch bao gồm 10 điểm mà bạn nên áp dụng.
Thất nghiệp là chuyện không may, nhưng không có nghĩa là tất cả sẽ chấm hết. Hy vọng, kế hoạch 10 điểm sau đây sẽ giúp bạn sớm tìm được công việc mới:
1. Giữ bình tĩnh
Cơ trưởng Chesley Sullenberger của hãng hàng không Mỹ US Airways đã giữ khuôn mặt điềm tĩnh như không khi hạ cánh an toàn chiếc máy bay Airbus A320-214 sau khi chiếc phi cơ va quệt vào một chiếc xà lan trên sông Hudson. Nhận được thông báo sa thải, nhiều người cũng cảm thấy sốc như khi ở trên một chiếc phi cơ gặp sự cố. Tuy nhiên, trong những tình huống khó khăn như vậy, việc giữ bình tĩnh sẽ giúp bạn suy nghĩ rõ ràng hơn về các lựa chọn có thể có.
2. Giữ hòa khí
Do quá xúc động khi đột nhiên mất việc, bạn có thể nổi đóa với sếp hay đồng nghiệp. Tuy nhiên, hãy cố gắng kiềm chế. Nếu bạn ra khỏi công ty với thái độ xấu, bạn sẽ gặp khó khăn khi xin lời giới thiệu của sếp để phục vụ cho cuộc tìm việc mới.
3. Xem xét các quyền lợi của bạn
Việc sa thải có thể phát huy tác dụng của một số quyền lợi nhất định mà người lao động có. Theo luật pháp của nhiều nước, người lao động được nhận bồi thường khi bị sa thải dựa trên hợp đồng lao động. Bên cạnh đó, các vấn đề về bảo hiểm, trợ cấp… cũng cần được xem xét. Vấn đề nằm ở chỗ, bạn cần phải tìm hiểu để biết mình được hưởng những quyền lợi gì để đòi hỏi.
4. Lên danh sách các mối quan hệ
Có thể bạn đang có nhiều mối quan hệ hơn bạn tưởng, và các mối quan hệ này sẽ giúp ích không nhỏ cho bạn trong quá trình tìm việc sắp tới. Hãy liệt kê ra giấy tất cả những mối quan hệ có khả năng giúp ích cho bạn khi tìm việc, bao gồm bạn bè, gia đình, đồng nghiệp cũ… Độ dài của danh sách này sẽ khiến bạn phải ngạc nhiên.
5. Cập nhật hồ sơ xin việc của bạn
Sẽ rất tốt nếu bạn thường xuyên cập nhật thông tin trên hồ sơ nghề nghiệp của bạn. Tuy nhiên, nếu đã lâu bạn không làm điều đó thì thất nghiệp chính là lúc bạn phải bắt tay vào làm, và nên nhờ một người bạn đọc lại giúp. Có rất nhiều mẫu hồ sơ trên mạng để bạn tham khảo.
6. Kết nối trên mạng
Trên mạng Internet cũng có nhiều nguồn giúp bạn kết nối với những người có thể hỗ trợ cho bạn tìm việc. Nguồn tốt nhất có lẽ là mạng xã hội nghề nghiệp LinkedIn.
7. Tìm việc trên mạng
Hiện nay, có không ít trang việc làm trên mạng để bạn tìm kiếm một công việc phù hợp và nộp hồ sơ. Bạn nên tìm đến những nguồn đáng tin cậy để đảm bảo nhận được thông tin chính xác.
8. Tính chuyện làm nghề tự do
Trong quá trình tìm việc, làm một công việc tự do là cách tốt để bạn duy trì các kỹ năng và để kiếm tiền. Một số người thử làm tự do và sau đó từ bỏ luôn ý định đi tìm công việc kiểu truyền thống. Tuy nhiên, cần lưu ý, nếu bạn làm việc tự do, hãy đề nghị mức thù lao mà bạn xứng đáng. Không ít người làm tự do thường có xu hướng đánh giá bản thân thấp hơn giá trị thực.
9. Tìm cách tạo thêm thu nhập
Cho tới khi tìm được việc mới, chắc chắn bạn muốn kiếm thu nhập phụ một cách nhiều nhất có thể. Để làm được điều đó, bạn có thể tìm một công việc tạm thời, tìm cách kiếm tiền từ nhà, hoặc cả hai. Hãy nghĩ về điều này, và bạn sẽ thấy là có nhiều cách sáng tạo để tạo nguồn thu nhập bổ sung.
10. Thắt chặt chi tiêu
Bên cạnh kiếm nguồn thu nhập phụ, bạn cần cắt giảm bất kỳ khoản chi tiêu nào có thể. Bước đầu tiên là giảm các khoản chi hàng tháng mà không gây ra sự xáo trộn lớn trong cuộc sống. Ngoài ra, bạn có thể cần phải thắt chặt chi tiêu ở mức cao nhất có thể. Bạn cần chuẩn bị cho bản thân và gia đình tình huống xấu nhất, trong khi tiếp tục hy vọng điều tốt đẹp nhất sẽ đến.
Theo DN