Diễn đàn Tiếp thị truyền thông số Việt Nam (Vietnam CMOWorld Forum) diễn ra tại TP.HCM gần đây lại đặt ra câu hỏi: Sự phát triển mạnh của internet có kéo theo sự suy yếu của quảng cáo truyền hình? Để trả lời câu hỏi này, hãy xem lại sự phát triển của quảng cáo internet.
Theo số liệu từ Công ty Nghiên cứu Thị trường Kantar Media Việt Nam, năm 2012, trong số hơn 20.400 tỷ đồng quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, truyền hình chiếm 18.246 tỷ đồng, tăng 136% so với năm trước đó.
Quảng cáo trực tuyến: Sự dịch chuyển thông minh
Trong khi đó quảng cáo trên báo in và tạp chí giảm khoảng 8%, đạt 2.151 tỷ đồng và phát thanh giảm gần 20%, với chưa đầy 25 tỷ đồng. Năm 2013 quảng cáo trên truyền hình vẫn chiếm đa số khi đây vẫn là phương tiện truyền thông phổ biến nhất.
Internet và điện thoại di động được coi là các phương tiện quảng cáo bổ sung, vẫn đang trong giai đoạn, thử nghiệm, nên chỉ đạt khoảng 3-5% tổng ngân sách quảng cáo. Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp (DN) đã chuyển một phần kinh phí cho các hình thức quảng cáo mới trên nền internet, đặc biệt là video trực tuyến.
Theo một báo cáo năm 2012 giữa Nielsen và Internet Advertising Bureau (IAB), chỉ cần chuyển dịch 15% kinh phí của quảng cáo tivi sang quảng cáo video trực tuyến thì có thể tăng thêm 4% độ phủ.
Ngoài ưu thế chi phí thấp, với quảng cáo trực tuyến, DN có thể nhận được những báo cáo chính xác và chi tiết hơn với các thông số cơ bản như: lượng truy cập, khách viếng thăm, thời gian theo dõi…
Hơn thế nữa, quảng cáo trực tuyến có thể cung cấp những thông số đặc biệt mà quảng cáo tivi khó có thể cung cấp về đối tượng người xem: vùng miền, nhóm tuổi, thu nhập, sở thích… Những thông số này giúp xác định hành vi người xem đối với quảng cáo video trực tuyến để đánh giá tốt hơn hiệu quả hoặc điều chỉnh tối ưu hóa hiệu quả quảng cáo.
Sự dịch chuyển của quảng cáo vào internet và mobile là tất yếu, kéo theo những thay đổi trong cách làm truyền thông và cách thức tiếp cận người xem.
Vì thế, hầu hết các thương hiệu lớn đều đã lựa chọn quảng cáo trực tuyến. Một số chiến dịch quảng cáo trực tuyến lấn át truyền hình mới đây đã được các hãng thực hiện như: Nokia, Canon, Samsung, K+, Yamaha, LG và nhóm hàng tiêu dùng như dầu gội đầu, nước uống, xà phòng…
Với việc thâm nhập các khái niệm quảng cáo CPC (tính giá quảng cáo trên mỗi click chuột), CPM (tính giá quảng cáo trên mỗi 1.000 lượt hiển thị quảng cáo) từ Google, Facebook và sự ra đời các mạng quảng cáo tự động của các nhà cung cấp Admicro (thuộc VCcorp), FPTonline, gần đây nhất là mạng quảng cáo xuất hiện theo ngữ cảnh Novanet (thuộc NovaAds), thị trường đang chứng kiến việc thay thế dần khái niệm quảng cáo hiển thị trả tiền theo ngày, theo tuần hay theo tháng.
Thời gian qua, một số hình thức quảng cáo trực tuyến mới cũng xuất hiện như Balloon Ad hay Box Application. Balloon Ad cho phép các nhà quảng cáo lựa chọn hiển thị quảng cáo trên vùng địa lý nhất định, đồng thời chỉ cho phép một người chỉ nhìn thấy tối đa 5 tới 10 lần quảng cáo trong chiến dịch trên toàn hệ thống hơn 180 trang mạng.
Balloon Ad thuyết phục được các nhà marketing bằng hiệu quả ấn tượng: chỉ số CTR (click-through rate) trung bình 0,5% đến 2% (tăng trung bình 8 tới 10 lần so với banner truyền thống CTR thường chỉ dừng ở con số 0,05%).
Box Application là định dạng quảng cáo kết hợp giữa hình ảnh và nội dung, quảng cáo và chăm sóc khách hàng. Với hình thức quảng cáo này, độc giả tiếp nhận thông tin như đang đọc báo, chứ không phải đang xem quảng cáo. Vì thế, Box Application tiến dần đến xu hướng quảng cáo tự nhiên (native advertising) đang được lòng người tiêu dùng.
Điều đó cho thấy, nội dung vẫn là phần quan trọng nhất của internet, nên quảng cáo cần được phát triển để có chất lượng ngang bằng với nội dung của website. Nhãn hiệu Diana đã thực hiện chiến dịch truyền thông với các hình thức quảng cáo banner, PR, Box app.
Khảo sát cho thấy, Box Application của chương trình Ischool của Diana đã mang về hơn 20.000 click trong 2 tuần, vượt 3 lần chỉ số CTR của banner thông thường cùng vị trí.
Theo vnmarketer.com