Điều đầu tiên bạn cần tâm niệm khi tìm hiểu về ngành marketing là “Ngành marketing là một thế giới rất rộng lớn và nhiều sắc màu với những con người cá tính và thú vị.” Sự đa dạng của ngành marketing (marketing industry) thể hiện ngay ở điểm có nhiều loại công ty và nhiều phân ngành nhỏ. Và mỗi loại công ty – mỗi phân ngành lại yêu cầu/đề cao những giá trị khác nhau của một nhân sự.
Hãy bắt đầu bằng khái niệm thân quen nhất: “4P”. Để thật sự làm việc bao quát toàn quy trình 4P: Sản phẩm – Giá Thành – Bày bán – Chiêu Thị, thì bạn cần làm việc tại những công ty sản xuất (manufacturing companies).
Đó là những tập đoàn như Unilever, Pepsi, Coca Cola... họ sáng tạo, sản xuất và chiêu thị để bán được sản phẩm cho người tiêu dùng (consumers). Và trong ngành marketing, họ được gọi là “client” hay “advertiser” – khách hàng, hay người chi tiền quảng cáo. Nguồn gốc của ngành marketing bắt nguồn từ những nỗ lực thấu hiểu và tác động vào thị trường, từ đó mang lại kết quả là sự tăng trưởng về doanh số bán hàng và các lợi thế bền vững cho các công ty sản xuất. Marketing, trước tiên phải bắt nguồn từ “sản phẩm vật chất” là các sản phẩm đang bày bán và các công ty sản xuất.
Nếu những công ty như Unilever là “khách hàng” thì ai sẽ phục vụ họ? Đó là những công ty “agency” – những công ty dịch vụ trong marketing. Đó là những công ty như Ogilvy & Mather (O&M), Saatchi & Saatchi, Dentsu, Leo Burnett [Advertising agency] hay Mindshare, Mediacom, Starcom, Dentsu Media [Media agency], hoặc TNS (nay là Kangtar Media), AC Nielsen (nay là Nielsen), IPSOS, MillWard Brown [Research agency]...
Nói ngắn gọn: các công ty “client” bao quát toàn bộ quá trình 4P của một sản phẩm, thì trong mỗi “P” họ sẽ có những công ty cung cấp dịch vụ hỗ trợ tương ứng. Đối với Sản phẩm (Product) thì các công ty Nghiên cứu thị trường (Research Agency) sẽ góp phần hỗ trợ rất nhiều, đến phần Giá thành (Pricing) thì sẽ là sự tư vấn của cả Nghiên cứu thị trường (về người tiêu dùng và thị trường) lẫn công ty Quảng cáo (Định vị sản phẩm, hình ảnh thương hiệu). Mảng Bày bán (Place) cũng rất cần sự hỗ trợ của công ty Quảng cáo trong nỗ lực Quảng bá tại điểm bán (POSM – Point of Sales Marketing). Cuối cùng là Chiêu Thị (Promotion) là lúc client cần công ty Quảng cáo và công ty Truyền thông (Media Agency) hỗ trợ nhiều nhất.
Các công ty “client” bao quát toàn bộ quá trình 4P của một sản phẩm, thì trong mỗi “P” họ sẽ có những công ty cung cấp dịch vụ hỗ trợ tương ứng ("agency").
Tổng kết lại, với ngành Marketing – bạn sẽ có 5 lựa chọn về loại công ty & chức năng:
1. Công ty sản xuất – hay còn gọi là Khách hàng – “Client”: làm tại các công ty khách hàng (client) có nghĩa là “làm nhiều việc cho một người”. Nếu bạn làm trong Brand team của Omo chẳng hạn, thì bạn sẽ tham gia vào tất cả các quy trình (trừ sản xuất) của sản phẩm từ giai đoạn đầu đến lúc đến tay người tiêu dùng: test sản phẩm, test concept truyền thông, lên kế hoạch communication & trade cả năm, brief cho agency, thực hiện cùng agency, đo lường – quản lý và tối ưu hóa các chiến dịch truyền thông và bán hàng.
Các công ty nổi tiếng trong mảng này có thể được kể tên rất dễ dàng – đó chính là những công ty/tập đoàn thành công với thị phần và ngân sách quảng cáo lớn. Đó là Unilever, Procter & Gamble (FMCG), Pepsi, Coca Cola, Tân Hiệp Phát, URC, King Đô, Orion (F&B), Samsung, Sony, Nokia (ICT) …
2. Công ty quảng cáo – Advertising agency: là những công ty cung cấp dịch vụ tư vấn dựa trên chuyên môn cao (expertise) về thương hiệu (brand), truyền thông (communication) , sáng tạo (creativity) và thực thi (execution).
- Các công ty nổi tiếng trong ngành như Ogilvy & Mather (Mỹ), JW Thomson (Mỹ), Saatchi & Saatchi (Anh), Dentsu (Nhật), Cowan (Úc) …
- Các bạn có thể tham khảo thêm một danh sách các công ty quảng cáo tại Việt Nam:http://www.toiyeumarketing.com/share/vietnam-agency-directory-pr-advertising-media-digital/
3. Công ty truyền thông – Media agency: là những công ty sử dụng sự thấu hiểu về người tiêu dùng và các công cụ truyền thông để truyền tải những sản phẩm sáng tạo (từ client và advertising agency – ví dụ như TVC, Print-Ads) đến với người tiêu dùng tiềm năng.
4 tập đoàn truyền thông lớn nhất tại Việt Nam:
- GroupM (bao gồm 4 công ty bắt đầu bằng chữ M: Mindshare, Mediacom, Maxxus, MEC)
- Publicis (bao gồm 5 công ty Starcom, Zenith, Opti, Equinox và Performics),
- Dentsu Asia Network (bao gồm 3 công ty Dentsu Vn, Dentsu Alpha và Dentsu Media)
- Và tập đoàn local duy nhất: Đất Việt Group – VAC (bao gồm các công ty như Đất Việt Media, TKL Media, Đông Tây Promotions …)
4. Công ty nghiên cứu thị trường – market research agency: khác với 2 loại agency trên, thì agency về nghiên cứu thị trường tham gia rất sâu vào cả quá trình xuyên suốt của 4P từ thử nghiệm ý tưởng sản phẩm (product test) đến đo lường hiệu quả truyền thông…
- Các công ty nổi tiếng trong mảng này như AC Nielsen – nay là Nielsen, Taylor Nielsen – hay còn gọi là TNS, nay là Kangtar Media, FTA (agency Việt Nam), Epinion (agency Đan Mạch), MillWardBrown ….
5. Các dịch vụ hỗ trợ: là những công ty cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho ngành như quay phim, chụp hình, lồng tiếng …
Vậy việc bạn làm gì trong ngành marketing phụ thuộc phần nhiều vào bạn làm tại loại công ty và phân ngành nào, từ đó sẽ quyết định bạn phải “học marketing” ra sao.