Suốt thời gian qua, liên tục các câu hỏi chúng tôi thường nhận được từ bạn đọc là:
“Marketing và quảng cáo có khác nhau không? Em nghe nói còn có PR và digital nữa?”
“Em học trong trường và đọc rất nhiều sách của Phillip Kotler, Al Ries và Jack Rout – thấy nói marketing rất rộng – từ sản phẩm đến phân phối, vậy làm marketing chính xác là làm gì?”“Em được nhận vào làm Marketing Executive của một công ty, em muốn phát triển lên thành Brand Manager thì cần phải học hỏi gì nữa?”“Em được nhận vào một agency nhưng em chưa rõ agency là làm gì? Em thấy làm bên Brand có vẻ tốt hơn?”Hay chỉ đơn giản là:“Làm marketing chính xác là làm gì, và để làm tốt thì phải “học marketing” như thế nào? Và em có nên theo marketing không?”
Trong lớp học và trong nhiều sách textbook căn bản, chúng ta được nghe đến 4P của marketing: Product, Price, Place & Promotion. Chỉ riêng mỗi “P” cũng đã là một lĩnh vực mênh mông – nên rốt cuộc là mỗi chúng ta, đặc biệt là các bạn sinh viên mới ra trường – có thể đóng góp gì và nên bắt đầu ở đâu?
Khi nhắc đến marketing, thì với tư cách là một người tiêu dùng – chúng ta thường nghĩ đến những ấn phẩm quảng cáo (nhiều nhất có lẽ là TVC quảng cáo) của các nhãn hàng như Omo, Pepsi, Coca Cola, … Chúng ta xem những đoạn quảng cáo đó từ lúc còn bé tý (và thật sự trẻ em hầu hết đều rất thích xem quảng cáo), xuýt xoa rằng sao đoạn phim chỉ chiếu trong một thời gian ngắn 30s mà lại có thể truyền tải nhiều ý nghĩa như vậy. Chúng ta lớn lên với mong muốn “mình cũng muốn làm ra 1 mẫu quảng cáo như vậy” và ta nghĩ rằng ta thích marketing.
Lớn lên một chút, nhất là khi vào đại học – ta được biết Omo, Pepsi, Coca, Kinh Đô … chỉ là những nhãn hàng (brand) của một tập đoàn – và một tập đoàn có rất nhiều nhãn hàng. Ta ồ lên thích thú khi biết rằng Omo, Viso, Surf, Dove, Pond’s, Vaseline … đều là của Unilever, và Pepsi, Sting, 7-up, Twister … cùng thuộc về Pepsi Co. Ta đọc sách marketing, và thấy rằng ngoài những mẫu TVC, những mẫu Print-Ads thì còn có những chiến lược về thương hiệu, sản phẩm, phân phối và giá cả. Ta say mê những quyển sách như “22 quy luật bất biến của marketing” (Al Ries & Jack Rout), “Khác biệt hay là chết” (Jack Rout), “Quảng cáo thoái vị, PR lên ngôi” (Al Ries & Laura Ries). Ta thấy thế giới marketing thật rộng và thật đẹp. Và ta tự nhủ rằng Unilever, Pepsi là những điểm đến lý tưởng, và ta sẽ được làm những mẫu quảng cáo tuyệt vời mà ta đã và đang xem trên TV.
Nhưng sắp tốt nghiệp đại học, ta lại nghe về một phân ngành khác của marketing gọi là “agency” – hay còn gọi là những công ty “cung cấp dịch vụ tiếp thị và quảng cáo”, và chính những công ty này mới là người trực tiếp làm ra những đoạn TVC, những mẫu Print-Ads (quảng cáo báo) mà chúng ta từng xuýt xoa, còn các tập đoàn như Unilever, Pepsi chỉ làm những khâu “đầu-cuối”: đưa ra yêu cầu và lựa chọn giải pháp từ agency. Và khi thử ứng tuyển vào những công ty agency này, thì họ lại không yêu cầu nhiều về những tư tưởng/chiến lược mà ta hằng ấp ủ – thay vào đó lại hỏi về những kỹ năng rất... tỉ mỉ: tiếng Anh, kỹ năng sáng tạo, kỹ năng thuyết trình, định hướng nghề nghiệp...
Cảm giác như họ chẳng hề trân trọng chút kiến thức marketing nào chúng ta đã được dạy và tự học trong suốt khoảng thời gian đại học?
Để trả lời câu hỏi trên thì chúng ta cần phải trả lời một câu hỏi trước đó:
“Bạn sẽ làm marketing tại loại công ty nào?”
Hầu hết các bạn thích marketing đều có thể kể tên nhiều tập đoàn lớn với ngân sách quảng cáo khổng lồ như Unilever, Pepsi, Coca Cola … và các vị trí “rất kêu” như Brand Manager, Chief Marketing Officer – nhưng các bạn chưa hề biết hết tất cả các vị trí trong ngành marketing, đặc biệt là các vị trí đầu tiên để bắt đầu nấc thang nghề nghiệp.
Có rất nhiều cách phân loại theo tố chất, vị trí nhưng chúng tôi sẽ chọn cách phân loại cơ bản nhất: theo chức năng của từng loại hình công ty.
Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết về 5 loại công ty và chức năng của các công ty trong thế giới marketing trong bài viết tiếp theo.